top of page

#LOVEMELOVETREE

Trước việc những cây dầu cổ thụ ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm – HCMC (Việt Nam) bị đốn hạ một cách vô lý và vô cảm, Sunny cũng như nhiều người yêu cây – yêu thiên nhiên khác đều cảm thấy đau lòng. Khi đăng hình FB thì bật ra ý tưởng, tại sao không kêu gọi mọi người vừa khoe hình với cây – với rừng – với thiên nhiên vừa truyền một thông điệp bảo vệ cây, bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên.

Hình ảnh & Ý tưởng này đã được chị Thuý – Hội quán các bà mẹ hưởng ứng nhiệt tình. Sunny đăng hình vào lúc tầm 10h tối ở Pháp, thì mọi người ở Việt Nam đã ngủ. Sáng mai vừa thức giấc, đã thấy chị ấy gọi cho Sunny bàn công chuyện. Chị nói chị share hình và thông điệp, mấy người bạn thấy hay quá nên đề nghị làm chung thành một chương trình luôn.

Sunny nghe chị chia sẻ những gì chị muốn làm với chương trình, nhận thấy nó cũng hoàn toàn khớp với ý tưởng của Sunny khi bật ra ý tưởng “Yêu Em Yêu Cây” = LoveMeLoveTree. Nó cũng chung hướng với các hoạt động mà Sunny muốn hỗ trợ trong dự án không vì lợi nhuận, lớn hơn và dài hơi hơn: Green Agri, dự án kết nối – xây dựng một hệ sinh thái nhằm thúc đẩy và hỗ trợ nền nông nghiệp sạch, thuận tự nhiên, tôn trọng an toàn sức khoẻ con người – môi trường – thiên nhiên.

Do vậy, 2 chị em hào hứng thảo luận và thống nhất sẽ triển khai chương trình ngay và luôn, gồm 3 chương trình chính như sau:

Chương trình 1: Lan toả yêu thương – hình

  1. Mời mọi người cùng chung tay lan toả tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường qua việc chia sẻ hình ảnh cùng thông điệp gắn Hashtag #LoveMeLoveTree, #LanToaTuTe

  2. 100 người tham gia share đầu tiên, đã góp phần đóng góp:

  3. 01 cây giống của cây lâu năm cho việc trồng vườn rừng của cộng đồng địa phương tại Tây Nguyên.

  4. 01 cuốn sách “Các bạn tôi ở trên đấy” cho Thư viện cộng đồng. Đây là cuốn sách của Nhà văn nổi tiếng, với những hiểu biết sâu sắc của ông về vùng đất Tây Nguyên: Nhà văn Nguyên Ngọc (tác giả của tác phẩm Đất Nước Đứng Lên, Rừng Xà Nu)

Chương trình 2: Lan toả yêu thương – cây

Nếu bạn muốn chung tay trồng cây gây rừng, tự tay mình đóng góp cây giống cho việc trồng rừng tại Tây Nguyên, bạn có thể góp 1 cây – 10 cây – 100 cây hay bất cứ số lượng cây nào bạn muốn đóng góp. Vườn ươm Cao Quảng sẽ giúp bạn có số cây giống cần thiết, tương ứng với mỗi cây chỉ ở mức chi phí 10k/ cây. Thông qua việc mua cây giống tại vườn rừng Cao Quảng, bạn lại giúp thêm được người dân địa phương có sinh kế lấy ngắn nuôi dài, để tiếp tục việc trồng rừng dài hạn.

Chương trình 3: Lan toả yêu thươngsách

Bạn có thể mua sách “Các bạn tôi ở trên ấy” của nhà văn Nguyên Ngọc để ủng hộ sách và lan toả những giá trị văn hoá Tây Nguyên ra rộng rãi hơn. Đồng thời, khi bạn mua sách cũng là đã chung tay cùng chúng tôi góp cây trồng rừng. Bởi mỗi cuốn sách bán ra, chúng tôi sẽ trích 30% số tiền thu được để mua cây giống trồng rừng cho Tây Nguyên.

Tìm hiểu thêm về sách tại đây:

Nhà văn Nguyên Ngọc: ‘Giá chúng ta giữ Tây Nguyên như một Bhutan’

Tây Nguyên rất đặc biệt nhưng cũng rất đáng lo. Tôi mong mọi người hãy nghĩ, hãy đến Tây Nguyên và làm gì đó để cứu mảnh đất này. Nói đến Tây Nguyên là nói đến rừng và làng. UNESCO đã rất tinh tế nhận ra khi công nhận di sản văn hóa thế giới của Tây Nguyên, không phải là cồng chiêng, cũng không phải là âm nhạc cồng chiêng mà là không gian văn hóa cồng chiêng, tức không gian làng với rừng của làng. Rừng và làng chính là không gian văn hóa của Tây Nguyên. Không còn hai yếu tố này sẽ không còn văn hóa Tây Nguyên hoặc nếu có cũng không còn là văn hóa thật. Thế nhưng vấn đề quan trọng nhất hiện nay ở Tây Nguyên là sự đổ vỡ của các làng và rừng thì bị tàn phá.

Rất mong các bạn cùng chung tay bảo vệ rừng, lan toả tình yêu thiên nhiên tới bạn bè bằng cách tạo cơ hội & thử thách cho 5 người bạn của bạn khoe hình đẹp với cây, với rừng, với thiên nhiên kèm Hashtag #LoveMeLoveTree & #LanToaTuTe. Nếu bạn muốn hình được thiết kế theo format của chương trình, vui lòng gửi hình về cho chúng tôi tại email: sunnylan.eu@gmail.com hoặc Telegram: @sunnylan.eu

Rất mong nhận được sự hưởng ứng của các bạn gần xa nha.

(Note: #LanToaTuTe là Hashtag mà Sunny đã tạo ra cho một dự án thường niên vì cộng đồng nổi tiếng khác do LIN khởi xướng, trong đó Sunny là TNV chuyên môn với vai trò Giám đốc truyền thông cho dự án năm 2016)

–**–

Thông tin thêm tham khảo về Vườn Rừng Cao Quảng – Tuyên Hoá – Quảng Bình

Không phải vô cớ mà tôi tự nhận mình là “Tiều phu“, là con cháu Thạch Sanh. Trong cuốn “Hai Quê Hương“ tôi có kể tại sao thằng bé lớn lên ở thành thị lại yêu cảnh quan nông thôn, yêu rừng từ thuở thiếu thời. Yêu rừng nhưng thật ra tôi chưa hiểu lắm về rừng, cũng y như yêu vợ trước kia. Mãi mới hiểu.

Bạn Nga đã giúp tôi kết nối với những người nông dân bằng xương bằng thịt đang sống với rừng và bảo vệ rừng. Nga là con gái thầy Phong, dạy tôi ở ĐH Bách Khoa Hà Nội cuối những năm 1970. Thiên hạ bảo „Con thầy vợ bạn“ hay ra chuyện. Quả thật Nga và tôi đã thử một số dự án ở Việt Nam và cuối cùng cũng „ra chuyện“. Chúng tôi tìm thấy ở Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình những người bạn tin cậy. Đó là anh Sự (FB Nguyễn Sự), em Tiến (FB Anh Vietten), cháu Nam (FB Thành Nam) và cháu Huyền (FB Thuy Huyen Mai). Nếu nói đến Cao Quảng chắc không mấy người biết đó là đâu. Đây là một vùng đất đỏ hẻo lánh phía đông triền núi Trường Sơn. Trước khi có điện năm 2001, đây vốn là vùng “khỉ ho cò gáy“.

Nhìn hình ảnh hàng trăm ngàn đồng bào lam lũ rời bỏ thành phố những ngày này, quyết trở về quê hương, có đói ăn đói, có no ăn no, tôi thấy cần phải kể về bốn gia đình nông dân đang bám đất bám rừng này. Anh Sự từng đi buôn rồi cũng từng làm thợ xây với cậu Nam. Buôn bán thất thoát, công việc bầm dập, cuộc đời họ như trên sóng. Cậu Tiến từng tốt nghiệp đại học triết, cái nghề chỉ để tối về nằm suy nghĩ việc đời chứ không thể kiếm ra đồng tiền lương thiện ở xứ này. Cô Huyền tốt nghiệp cao đẳng nông nghiệp, do hoàn cảnh gia đình éo le nên ôm con về quê với bố mẹ. Mỗi người một cảnh, nhưng cuối cùng họ đều quyết bám rừng để xây dựng cuộc đời.

Câu chuyện của họ bắt đầu từ cây keo lai cách đây khoảng 6-7 năm. Nếu ai gõ google “Cây keo lai“ sẽ ra hàng trăm bài báo của các chuyên gia lâm nghiệp, chuyên gia sinh học ca ngợi nó. Loại cây công nghiệp này được nhà nước khuyến khích dân chúng trồng thành rừng để cung cấp cho sản xuất giấy khoảng 15 năm gần đây. Cây keo lai cũng đã giúp hàng ngàn hộ nông dân thoát cảnh đói nghèo vì nó nhanh cho gỗ (4-5 năm) và ngành công nghiệp giấy sẵn sàng bao tiêu sản phẩm. Chính quyền các cấp và các ngành lâm nghiệp, công nghiệp, lao động đã tuyên truyền rất mạnh cho keo lai, biến nó thành một phong trào rộng lớn.Phong trào này khiến nông dân đổ xô đi phá rừng tự nhiên để trồng cây keo lai. Một số hộ đã lấn chiếm hành lang bảo vệ hai bờ sông Nan, chặt bỏ cây rừng tự nhiên hai bên bờ sông để trồng keo lai Chính vì lẽ đó trong những năm trở lại đây, trữ lượng rừng tự nhiên ở Tuyên Hóa ngày càng bị thu hẹp. Hậu quả của việc biến rừng tự nhiên thành rừng đơn canh cây công nghiệp này vô cùng nặng nề. Đầu tiên phải coi rừng đơn canh là nguyên nhân tiêu diệt đa dạng sinh học và phá hủy cân bằng sinh thái. Các loại cây cỏ, thảo mộc nhỏ, côn trùng đều bị tiêu diệt hết. Không có muông thú nào tồn tại được trong rừng công nghiệp. Cây keo lai trồng đến đâu, thảm thực vật ở đấy bị tiêu diệt đến đó khiến đất bị xói mòn và mất đi khả năng chống lũ lụt. Hậu quả là nguồn nước bị cạn kiệt mùa khô, đến mùa mưa bão thì lũ lụt, xói lở nghiêm trọng diễn ra, nhất là hai bên bờ sông Nan. Do vùng rừng đầu nguồn bị chặt phá và hành lang bảo vệ hai bờ sông Nan cũng bị tiêu diệt dẫn đến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Tác hại lớn nhất của keo lai là làm bạc màu đất rất mạnh. Sau 4-5 năm chặt cây bán gỗ để làm giấy thì vụ keo lai sau năng suất rất thấp. Muốn trồng loại cây khác phải cải tạo đất cả chục năm.

Không hiểu kỹ về rừng, trước kia tôi cứ nghĩ trồng được cây là tốt rồi. Nhưng các bạn ở Cao Quảng đã giúp tôi hiểu rằng, trồng rừng chỉ vì lợi nhuận còn phá hoại thiên nhiên nặng hơn.Những người cỗ vũ cho cây keo lai dù biết tác hại lâu dài của nó cũng không nói ra, vì họ cần lợi nhuận. Nhiều nông dân biết điều này nhưng họ không có nguồn sống khác ngoài cây keo lai. Khai thác xong vùng này, họ bỏ sang vùng khác.

Những người bạn nông dân của tôi quyết tâm thay thế cây keo lai bằng vườn rừng, kéo dài chu kỳ khai thác của các nhóm cây lâm nghiệp bản địa, giảm bớt tác động xấu đến môi trường. Ngoài niềm tin vườn rừng sẽ nuôi sống gia đình họ, còn là quyết tâm tạo thảm thực vật chống xói mòn đất, chống lũ lụt, khôi phục đa dạng sinh học và điều kiện sống cho côn trùng, thú rừng. Họ gặp nhiều khó khăn vì lội ngược dòng. Nếu như trước kia trồng keo lai chỉ một vài năm sau người dân đã có thu nhập do bán gỗ cho công nghiệp giấy, không phải lo vốn cho cây giống và tiêu thụ sản phẩm thì nay kinh tế vườn rừng cần thời gian đầu tư lâu hơn. Ít nhất sau 6 hoặc 7 năm, khi rừng vườn đã phát triển, có kèm cây ăn quả, cây thuốc, có đủ hoa cho các tổ ong thì người dân mới hoàn toàn sống được bằng kinh tế vườn rừng.

Vốn cho hàng chục loại cây giống cũng khá cao. Huyền tâm sự: “Những người trồng rừng như chúng cháu phải có ý chí và nghị lực rất lớn để đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết miền Trung. Vào mùa hè, nắng thì như thiêu, như đốt, nguồn nước cạn kiệt không có đủ để tưới. Đến mùa mưa, chỉ cần một trận bão quét qua thì coi như là phải bắt đầu lại từ đầu…“.

Năm 2017, Viện CENDI [1] có dự án “Tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, chuyển giao kỹ thuật trồng vườn rừng và ươm hạt giống cây bản địa“ cho nông dân Cao Quảng. Dự án thực hiện trong 3 năm (2017-2019), không có phần hỗ trợ tài chính mà chỉ hướng dẫn và tư vấn kỹ thuật. Anh Sự đã là người tiên phong đi học các lớp huấn luyện của chuyên gia Đức. Cuối cùng một số hộ thành lập “Nhóm cộng đồng vườn rừng Cao Quảng”. Họ giúp nhau canh tác, trao đổi kinh nghiệm trong kinh tế vườn rừng. Họ quyết chuyển đổi từ keo lai sang trồng đa canh cây lâm nghiệp bản địa và cây ăn quả. Họ trồng xen kẽ các loại cây thuốc ở sát mặt đất, rồi bổ sung thêm mít nài ngọi (mít rừng) chôm rừng, quýt rừng, tắt rừng, cây sấu ,đào rừng, dổi, cam, chanh, thanh long, mít, vải, chuối và các loại cây lấy gỗ: lim xanh, cây lát xoan, sưa đỏ v.v. Rừng đa canh còn tạo điều kiện cho nuôi ong mật chất lượng cao và chăn nuôi. Khó khăn của nhóm là vốn đầu tư và thời gian (7-10 năm, không nhanh như trồng keo lai 4-5 năm). Do đó sau 3 năm đầu tư cây giống, cải tạo đất, làm hệ thống tưới (có hộ phải vay vốn ngân hàng) thì có những hộ phải bỏ dở dang vì không có tiền sinh kế để tiếp tục. Những hộ đã đồng ý chuyển đổi sau đó cũng do dự vì thấy quá khó khăn. Trong những năm tháng chờ vườn rừng cho lợi tức, họ phải sống rất tiết kiệm. Anh Sự ước tính mỗi gia đình cần hỗ trợ khoảng 2 triệu đồng/tháng để duy trì sinh hoạt. Một bữa nhậu của mấy bợm rượu Sài Gòn, nhưng ở chân dãy Trường Sơn không dễ kiếm. Khó khăn, nhưng Sự, Huyền, Tiến, Nam quyết bám đất bám rừng. Họ không muốn lúc nào đó lại phải chất tất cả, từ con chó, cái bếp dầu, đến quyển sách triết học lên xe máy, bỏ thành thị, vượt qua hàng ngàn cây số, hàng chục trạm kiểm soát để về quê. Họ thà ăn ít nhưng được hưởng vị ấm quê nhà. Khi tôi kể về ý muốn giúp nhóm “Vườn rừng Cao Quảng“, một số người nghi ngờ. Họ chỉ tôi nhiều tin xấu về các hoạt động từ thiện ở Việt Nam. Tôi không làm từ thiện, chỉ muốn giúp những người bạn đang cứu môi trường ở một vùng đất nhỏ không ai biết đến. Thành công của nhóm này sẽ kéo theo nhiều hộ khác. Nhờ sự giúp đỡ của một số ít bạn bè, chúng tôi đã tạo được một cú hích tài chính để giúp nhóm anh Sự thực hiện được những bước đầu của giấc mơ. Trong mấy tháng qua, hai vườn ươm cây tổng cộng 750m² đã hình thành. Hàng chục ngàn cây giống các loại đã mua về, ươm và gieo trồng trên 7,2 ha vườn rừng mới được cải tạo.

Bạn nào có ý định biến „Cú hích của Tiều phu“ thành lực đẩy lâu dài cho dự án, có thể đăng ký tham gia nhóm “Vườn rừng Cao Quảng“[2]. Ở đó có tất cả thông tin về tài chính, tiến độ, kế hoạch, kỹ thuật vườn rừng v.v. Các bạn có thể đóng góp tài chính cũng như ý kiến. Những người bạn nông dân của tiều phu sẽ rất cảm ơn các bạn.—

Dự án khác:

Góp cây cho rừng nhỏ: Đúng như tên gọi, rừng nhỏ xíu, chỉ còn lại khoảng 1 Ha (héc -ta), nằm trọn trong khuôn viên nhà thờ giáo họ Phúc Lâm (xã Dak Ha, huyện Dak Glong, tỉnh Dak Nông). Phúc Lâm – Khu rừng phước là kiểu rừng nhiệt đới thường xanh mưa ẩm đất thấp, có cấu trúc đa tầng. Hiện nay, tầng trội vượt tán (tầng cao nhất) của rừng nhỏ chủ yếu là cây thường xanh họ dầu đã già cỗi, và cây leo bắt đầu xâm lấn; bởi vậy, chúng mình sẽ trồng thêm các giống cây sau góp sức cho rừng phục hồi tầng trội vượt tán, bao gồm: Sao đen, kiền kiền, chò chỉ, chò nâu, dầu rái, vên vên, táu, lim xanh, săng lẻ, gụ. Mỗi loại chỉ 5 cây ạ! Ngoài ra còn trồng thêm cho sân nhà thờ 1 số loại cây bóng mát: 2 cây bằng lăng, 2 cây xà cừ, 2 cây phượng vỹ, 2 cây phượng tím.

Kiss The Ground(Hôn lên Mạch Đất)

☘️

Con người, dù tự cho mình là chúa tể muôn loài, đang nghĩ rằng mình đủ sự thông minh để có thể thay đổi tự nhiên bằng khoa học công nghệ. Luôn muốn dùng sức mạnh để chiếm hữu loài khác phục vụ cho nhu cầu bản thân mình.Thì thật ra, bản thân chúng ta cũng chỉ là một sinh vật nhỏ bé, đang nương tựa sống phụ thuộc vào Mẹ Trái Đất mà thôi.


 Kiss The Ground(Hôn lên Mạch Đất): một bộ phim khoa học nói về thực trạng của nền nông nghiệp trên toàn thế giới, những thói quen trong canh tác cũng như việc lạm dụng hóa chất vào sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng như thế nào đối với hệ sinh thái, khí hậu và sự tồn tại của loài người trong tương lai. Nếu bạn muốn làm gì đó để có thể tác động đến Mẹ Trái Đất

Hãy Gieo Hạt 

🌱

Góp vốn cây giống cho bà con nông dân Tân Phú

Những người nông dân chân chất, lam lũ đó, dù cũng đang rất vất vả mưu sinh, đã sẵn lòng gom hết những rau củ quả đang có trong vườn nhà mình, đóng góp – tặng cho chương trình “LoveSaiGonFromDaLat” của chúng tôi, những TNV xin – mang rau từ Đà Lạt, Đồng Nai về tặng cho Y bác sĩ tuyến đầu chống dịch và bà con lao động khó khăn đang lao đao giữa đại dịch ở Sài Gòn… Chúng tôi nhận món quà này với sự rưng rưng và lòng day dứt. Bởi chúng tôi không muốn lấy không của người nghèo này tặng cho người khó khác. Chúng tôi tự bảo nhau, mình “nợ” bà con nông dân, và phải làm gì đó cho họ, càng sớm càng tốt.

Chúng tôi mong muốn có thể gây quỹ để tài trợ giống cây trồng – phân bón cho bà con tiếp tục mùa vụ sau.

Nếu bạn quan tâm và muốn chung tay cùng chúng tôi hỗ trợ bà con nông dân tại Tân Phú, hãy cho chúng tôi biết qua form này nhé.

Chúng tôi chào đón tất cả sự hỗ trợ, từ tài chính tới tinh thần và thời gian hay kiến thức, kỹ năng chuyên môn của bạn, cho bất kỳ dự án nào nêu trên.

댓글


Post: Blog2_Post
Nhận Bản Tin và Tips Mới

©2022 by SUNNY DIGITAL - France

SIRET : 913 460 820 00016

bottom of page